Mặc dù cho rằng đã thực hiện đúng pháp luật và có ý kiến lên Kiểm toán Nhà nước về số tiền bị truy thu, xử phạt hành chính, song không được chấp nhận nên Cao su Đà Nẵng vẫn phải nộp 1,8 tỷ đồng. Ngoài đơn vị này vẫn còn một loạt doanh nghiệp khác bị phạt và truy thu.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) cho biết, ngày 5/6, doanh nghiệp này đã nhận được quyết định của Cục thuế TP Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền phải nộp lên tới 1,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 đã thực hiện điều chỉnh khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán công ty trích trước cho phù hợp với doanh thu và một số chi phí khác. Qua đó, làm lợi nhuận tính thuế của DRC bị thay đổi.
Trong đó, tiền chậm nộp là hơn 561 triệu đồng trong khi tiền phạt lên tới 1,23 tỷ đồng. Mặc dù cho biết đã thực hiện nộp số tiền phạt nói trên, song DRC vẫn khẳng định đã thực hiện theo đúng nguyên tắc phù hợp của kế toán và phù hợp với quy định của Thông tư 200 năm 2014 của Bộ Tài chính.
Nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế với số tiền lớn
Nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế với số tiền lớn
Theo khẳng định của DRC, khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán là các chế độ không thể thiếu trong công tác bán hàng nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, cuối mỗi kỳ nhận hàng, công ty căn cứ trên doanh thu khách hàng đã nhận hàng để tính các khoản chế độ này theo quy định.
Các khoản chế độ này được trừ cho khách hàng trong các kỳ nhận hàng tiếp theo, và khi đó, công ty mới viết hóa đơn điều chỉnh, phù hợp theo quy định tại khoản 22 điều 7 thông tư 219 năm 2013 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, việc hạch toán trích trước các khoản chế độ nêu trên vào kỳ tháng 12/2016, theo DRC, là để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định chi phí phù hợp với doanh thu trong kỳ.
“Công ty đã gửi ý kiến cho Kiểm toán Nhà nước nhưng không được chấp nhận” – phía DRC cho hay.
Tuy nhiên, DRC không phải là đơn vị duy nhất bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu truy thu và nộp phạt liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Vừa mới đây, có 5 tổ chức đã bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu thuế hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank bị kiến nghị tăng thu thuế thêm 19,1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước bị kiến nghị tăng thu thuế 5,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) bị đề nghị đóng thêm 3,4 tỷ đồng, VietinBank bị kiến nghị nộp thêm 320 triệu đồng và hơn 500 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân, BIDV bị kiến nghị nộp thêm 732 triệu đồng.
Trên sàn chứng khoán, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – mã chứng khoán GEX) cũng vừa bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt hành chính và truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong đó, với việc kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp thuế, Gelex đã phải chịu mức phạt 20% trên số thuế tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra, số tiền hơn 181 triệu đồng. Số tiền thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp bị truy thu là 907 triệu đồng, số tiền chậm nộp là 125 triệu đồng. Đến ngày 6/6, Gelex cho biết đã thực hiện nộp đầy đủ số thuế phải nộp nói trên.
Nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế là hơn 1 triệu tỷ đồng. Hồi đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã phát động phong trào thi đua hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018.
Để đạt mục tiêu đó, Tổng cục Thuế đã lên kế hoạch tập trung thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro lớn, các tập đoàn, tổng công ty có số thu nộp ngân sách Nhà nước lớn.
Bích Diệp