Habeco và Sabeco đã nghiêm túc nộp đầy đủ số thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, riêng số tiền phạt chậm nộp gần 4.000 tỷ đồng, Sabeco vẫn “treo lại”, với lý do không còn nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến kết quả kiểm toán cũng như việc thực hiện kiến nghị kiểm toán tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý theo quy định.
Thông tin ban đầu cho thấy, đến thời điểm hiện tại, cả Sabeco và Habeco đều đã thực hiện nghiêm túc, nộp đầy đủ số thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách Nhà nước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ. Riêng số tiền phạt chậm nộp gần 4.000 tỷ đồng, Sabeco vẫn “treo lại”, với lý do không còn nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông.
Cụ thể, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2013 của Sabeco; Báo cáo tài chính năm 2014 và năm 2016 của Habeco, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách Nhà nước đối với Sabeco là 408,85 tỷ đồng và Habeco là 1.361,66 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định là việc kê khai tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco và Habeco không phù hợp nên căn cứ vào Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các văn bản hướng dẫn…, Kiểm toán Nhà nước đã xác định lại giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính đã thống nhất với ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước nên cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở Sabeco và Habeco thực hiện các kiến nghị trên của kiểm toán.
Đồng thời, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ cũng tiếp tục truy thu bổ sung số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco và Habeco trong giai đoạn 2007-2015. Trong đó, đã truy thu bổ sung đối với Sabeco là trên 4.300 tỷ đồng, gồm Thanh tra Bộ Tài chính truy thu gần 845 tỷ đồng; Tổng cục Thuế truy thu gần 1.356 tỷ đồng; Thanh tra Chính phủ trên 1.978 tỷ đồng và do Sabeco tự kê khai bổ sung là hơn 181 tỷ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016, Sabeco phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến hết năm 2006 là 2.495 tỷ đồng; còn Habeco phải nộp số lợi nhuận chưa phân phối và không có nhu cầu sử dụng đến hết năm 2016 là 1.392 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước thì tại thời điểm kiểm toán, cả Sabeco và Habeco đều không giải trình được phương án sử dụng lợi nhuận của phân phối và Quỹ đầu tư phát triển còn dư đến ngày 31/12/2016.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, kiến nghị của mình là phù hợp, dù rằng, xét trên cơ sở Luật Doanh nghiệp thì một vài điểm cũng cần phải cân nhắc thêm. Luật Doanh nghiệp quy định, việc chia cổ tức cho các cổ đông phải được đại hội cổ đông của công ty cổ phần thông qua.
Hiện, Kiểm toán Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt hành chính, truy thu số tiền chậm nộp theo đúng quy định. Bởi, theo Kiểm toán, Sabeco hiện mới hoàn tất việc nộp đủ số thuế theo đúng yêu cầu, riêng khoản tiền phạt hành chính và tiền chậm nộp, gần 4.000 tỷ đồng thì công ty vẫn chưa thực hiện với lý do: Không còn nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông.
Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này nhìn nhận, có vẻ như hãng giải khát Sabeco đang đứng giữa ngã 3 đường khi vừa phải tuân thủ kết luận của kiểm toán, vừa phải giải quyết câu chuyện cổ tức cho các cổ đông của mình. Đồng thời, Sabeco cũng lại phải đặt không ít câu hỏi với chính cơ quan thuế - đơn vị lâu nay vẫn hướng dẫn họ cách thức thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trước đó, hồi tháng 3, chính Sabeco cũng có tới 3 văn bản gửi cơ quan thuế, Bộ Tài chính để yêu cầu được hướng dẫn cách thức tạm nộp. Văn bản của Sabeco khẳng định rằng việc nộp các khoản tiền phạt hành chính, chậm nộp thuế tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt nộp bổ sung giai đoạn 2007 – 2015 chưa đủ cơ sở để thực hiện. Bởi vì, Sabeco đã luôn tuân thủ kê khai, tính thuế và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục thuế TP HCM. Điều này có nghĩa là Sabeco không hề sai trong các tranh cãi hiện tại.
Ngoài ra, phía Sabeco khẳng định việc thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung của giai đoạn 2007-2015 theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền nên được hiểu là “Tạm nộp” chứ không phải là “Nộp”. Bởi, việc tạm nộp này là theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong lúc chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Hãng rượu bia và giải khát Sabeco cho rằng bản thân trong công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính cuối tháng 4/2016 từng nêu rất rõ: Về việc xử lý thu thuế tiêu thụ đặc biệt các năm trước của Sabeco không phải do sai sót mà là do cách hiểu về chính sách thuế nên năm 2015 mới được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ làm rõ.
Sau đó, trong một công văn khác hồi cuối tháng 10/2016, Cục Thuế TP HCM báo cáo Tổng cục Thuế cũng tiếp tục đề xuất không tính phạt hành vi kê khai sai và không tính tiền chậm nộp khoản thuế tiêu thụ đặc biệt tính thêm năm 2010 – 2014.
Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Sabeco cho rằng doanh nghiệp mình luôn là đơn vị đứng đầu và chấp hành pháp luật về thuế đã được ghi nhận bằng khen, giấy khen các cấp. Do vậy, Sabeco sẽ nghiêm túc thực hiện khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này.
H.Anh

Mặc dù cho rằng đã thực hiện đúng pháp luật và có ý kiến lên Kiểm toán Nhà nước về số tiền bị truy thu, xử phạt hành chính, song không được chấp nhận nên Cao su Đà Nẵng vẫn phải nộp 1,8 tỷ đồng. Ngoài đơn vị này vẫn còn một loạt doanh nghiệp khác bị phạt và truy thu.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) cho biết, ngày 5/6, doanh nghiệp này đã nhận được quyết định của Cục thuế TP Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền phải nộp lên tới 1,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 đã thực hiện điều chỉnh khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán công ty trích trước cho phù hợp với doanh thu và một số chi phí khác. Qua đó, làm lợi nhuận tính thuế của DRC bị thay đổi.
Trong đó, tiền chậm nộp là hơn 561 triệu đồng trong khi tiền phạt lên tới 1,23 tỷ đồng. Mặc dù cho biết đã thực hiện nộp số tiền phạt nói trên, song DRC vẫn khẳng định đã thực hiện theo đúng nguyên tắc phù hợp của kế toán và phù hợp với quy định của Thông tư 200 năm 2014 của Bộ Tài chính.
Nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế với số tiền lớn
Nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế với số tiền lớn
Theo khẳng định của DRC, khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán là các chế độ không thể thiếu trong công tác bán hàng nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, cuối mỗi kỳ nhận hàng, công ty căn cứ trên doanh thu khách hàng đã nhận hàng để tính các khoản chế độ này theo quy định.
Các khoản chế độ này được trừ cho khách hàng trong các kỳ nhận hàng tiếp theo, và khi đó, công ty mới viết hóa đơn điều chỉnh, phù hợp theo quy định tại khoản 22 điều 7 thông tư 219 năm 2013 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, việc hạch toán trích trước các khoản chế độ nêu trên vào kỳ tháng 12/2016, theo DRC, là để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định chi phí phù hợp với doanh thu trong kỳ.
“Công ty đã gửi ý kiến cho Kiểm toán Nhà nước nhưng không được chấp nhận” – phía DRC cho hay.
Tuy nhiên, DRC không phải là đơn vị duy nhất bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu truy thu và nộp phạt liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Vừa mới đây, có 5 tổ chức đã bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu thuế hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank bị kiến nghị tăng thu thuế thêm 19,1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước bị kiến nghị tăng thu thuế 5,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) bị đề nghị đóng thêm 3,4 tỷ đồng, VietinBank bị kiến nghị nộp thêm 320 triệu đồng và hơn 500 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân, BIDV bị kiến nghị nộp thêm 732 triệu đồng.
Trên sàn chứng khoán, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – mã chứng khoán GEX) cũng vừa bị Cục Thuế TP Hà Nội xử phạt hành chính và truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong đó, với việc kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp thuế, Gelex đã phải chịu mức phạt 20% trên số thuế tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra, số tiền hơn 181 triệu đồng. Số tiền thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp bị truy thu là 907 triệu đồng, số tiền chậm nộp là 125 triệu đồng. Đến ngày 6/6, Gelex cho biết đã thực hiện nộp đầy đủ số thuế phải nộp nói trên.
Nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế là hơn 1 triệu tỷ đồng. Hồi đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã phát động phong trào thi đua hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018.
Để đạt mục tiêu đó, Tổng cục Thuế đã lên kế hoạch tập trung thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro lớn, các tập đoàn, tổng công ty có số thu nộp ngân sách Nhà nước lớn.
Bích Diệp

Popular Posts

Powered by Blogger.