Hàng loạt lan can cầu ở Cần Thơ bỗng nhiên bị đập, bẻ cong để ô tô của cán bộ ra vào dễ dàng.

Phá hàng loạt lan can cầu để ô tô của cán bộ đi - 1
Lan can cầu bị đập cong hình chữ V

7/8 cây cầu tại ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh thuộc xã nông thôn mới (NTM) Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bỗng nhiên bị chính quyền đập lan can, bẻ cong hình chữ V với lý do để ô tô của cán bộ ra vào dễ dàng.

Cả xã không đập, chỉ đập ở ngõ nhà “quan”

Sau khi nhận phản ánh của nhiều hộ dân sống ở hai ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh, xã NTM Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), PV Báo Giao thông đã về tận nơi tìm hiểu sự việc.

Theo đó, trong hàng trăm cây cầu trên địa bàn xã, không có cây nào bị đập lan can để xe lưu thông cho tiện. Thế nhưng, thực tế của PV, trên con lộ giao thông nông thôn liên ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh có đến 7/8 cây cầu bị đập lan can, bẻ cong hình chữ V với lý do để ô tô dễ dàng lưu thông. Sau hơn một tháng bị đập, các cây cầu bắt đầu bị bể phần thân cầu, có cầu phần lan can bị gãy rời, bắt đầu xuống cấp vì hàng ngày phải “gồng gánh” các loại xe ô tô di chuyển qua.

Theo người dân địa phương, sở dĩ 7 cây cầu này bị đập lan can do đã “lỡ” nằm trên lối vào nhà một số “quan” của huyện Phong Điền. Một người dân (xin giấu tên) sống ngay cây cầu đầu tiên của con lộ liên ấp kể lại: Cách đây chừng hơn hai tháng, nhà một cán bộ huyện Phong Điền có đám tiệc và mời nhiều quan chức, cán bộ cấp cao của huyện đến dự. Xe của một nữ cán bộ tên K., là lãnh đạo huyện khi đi vào nhà "quan" này dự tiệc bị va quệt trày xước sơn khi qua cầu.

Điều tra của PV cho thấy, nằm trên con đường bê tông nông thôn ven sông nối liền hai ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh có khoảng bốn căn biệt thự khá hoành tráng mọc lên. Đương nhiên gia chủ các biệt thự này thường sử dụng ô tô chạy qua các cây cầu “đau khổ”. Trong đó, một căn là của ông P.V.T. (hiện là Trưởng ban Tuyên giáo huyện Phong Điền), hai căn còn lại là của vợ và em vợ vị cán bộ này. Một căn nữa là của ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền. Bản thân ông Quang cũng sở hữu một ô tô hạng sang thường xuyên ra - vào con lộ liên ấp có cầu bị đập lan can.

Thống nhất đập lan can cầu để “mở rộng” đường bằng... miệng

Phá hàng loạt lan can cầu để ô tô của cán bộ đi - 2
Lan can cầu dẫn vào biệt thự của cán bộ huyện bị đập nham nhở tạo hình chữ V để ô tô dễ ra - vào. Có nơi lan can bị đập gần gãy rời gây nguy hiểm cho người dân đi đường vào ban đêm

Theo tìm hiểu của PV, phấn đấu suốt 4 năm (từ 2011 - 2015), chính quyền các cấp từ huyện đến thành phố phải huy động hết mọi nguồn lực đầu tư trên 119, 3 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cùng nhiều vấn đề khác cho xã Giai Xuân. Đến đầu năm 2015, toàn xã có hơn 40,4km đường giao thông liên ấp, liên xã. Tháng 2/2015, Giai Xuân mới được công nhận là xã NTM thứ 5 của TP Cần Thơ.

Tại lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, nhiều đơn vị, tổ chức và cả doanh nghiệp đã tài trợ cho xã khoản kinh phí lớn và vật liệu xây dựng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm giữ vững danh hiệu NTM, phục vụ sinh kế cho người dân. Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm, xã này lại "chơi sang" khi chỉ vì ngõ vào nhà "quan" huyện hẹp nên đã đập lan can cầu.

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh (có nhà nằm ven con lộ liên ấp) lý giải, theo chủ trương của lãnh đạo xã, ông đã huy động các lực lượng đập bỏ phần lan can cầu, đẩy dạt ra hai bên hình chữ V để ô tô đi lại cho dễ. “Do nhu cầu đi lại của bà con hai ấp, phải “mở rộng” cầu để taxi, ô tô vào chở người đi cấp cứu. Đúng là trên con lộ này có nhà của một số cán bộ đang công tác ở huyện. Một trong những cán bộ này là ông Trương Nhựt Quang có gọi điện yêu cầu đập lan can để “mở rộng” cầu. Nhưng nói mở cầu cho "quan" đi là không chính xác lắm, vì người dân ở đây cũng đồng tình”, ông Hùng biện minh.

Phá hàng loạt lan can cầu để ô tô của cán bộ đi - 3
Xế hộp của ông Trương Nhựt Quang, thường hay chạy ra - vào con lộ liên ấp có cầu bị đập lan can

Ông Huỳnh Đương Quang, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho rằng, chuyện đập lan can cầu ở hai ấp nói trên được tập thể Đảng ủy và Ủy ban đã thống nhất bằng… miệng chứ không có văn bản nào. “Con lộ liên ấp này làm cũng lâu rồi, do nhu cầu ô tô đi lại nhiều nên xã thống nhất đập lan can để “mở rộng” đường. Đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, anh Quang (ông Trương Nhựt Quang-PV) làm trên huyện có hứa sắp tới sẽ xin vốn của thành phố đầu tư cầu mới nên chúng tôi thống nhất… đập”, vị Bí thư xã giải thích.

Trao đổi qua điện thoại với PV sáng 31/7, ông Trương Nhựt Quang cho biết: “Đúng là tôi có ngỏ ý với địa phương nới rộng các cây cầu, nhưng đó là vì lợi ích chung của bà con trong ấp chứ có phải của riêng bản thân tôi đâu”. Ngoài ra, ông Trương Nhựt Quang còn lý giải, những cây cầu đó trước sau cũng phải xây mới. Huyện đã phê duyệt, Ban QLDA cũng đã ra thiết kế hết rồi, giờ chỉ còn chờ vốn từ thành phố nữa là bắt tay vào làm thôi.

Phá lan can 7 cầu vì nghe tin đồn xây cầu mới?!

Posted on 19:45 In:
Vụ phá lan can cầu ở xã nông thôn mới (NTM) tại Cần Thơ, cán bộ huyện không biết gì về dự án.

Phá lan can 7 cầu vì nghe tin đồn xây cầu mới?! - 1
Các chân trụ lan can cầu được khắc phục nham nhở sau khi Báo Giao thông phản ánh

Vụ phá lan can cầu ở xã nông thôn mới (NTM) tại Cần Thơ, cán bộ huyện không biết gì về dự án. Chủ tịch xã biết tiền Nhà nước đầu tư, còn trưởng ấp vì nghe tin đồn xây cầu mới nên… đập để ô tô qua lại “dễ dàng”?!

Huyện đẩy trách nhiệm xuống xã

Sau khi Báo Giao thông phản ánh tình trạng hàng loạt cây cầu trên tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh, xã Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị đập phá lan can, tạo hình chữ V để ô tô của một số cán bộ huyện này ra vào tư dinh; Sáng 1/8, PV đã có buổi làm việc với Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền.

Tại buổi làm việc, khi PV đề cập hiện tuyến đường liên ấp ở xã Giai Xuân có 7/8 cây cầu bị phá lan can do ai quản lý cũng như thiết kế cây cầu…; Ông Dương Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng tỏ ra ngơ ngác, “mù tịt” thông tin.

Theo ông Trung, bản thân ông cũng từng đi qua khu vực và có thấy lan can cầu bị đập phá. “Tuy nhiên, tuyến này do xã tự làm, huyện không biết…! Có gì anh hỏi thêm trưởng phòng”, ông Trung gợi ý.

Phá lan can 7 cầu vì nghe tin đồn xây cầu mới?! - 2
Sau gần hai tháng phá lan can để ô tô cán bộ huyện ra - vào cho dễ, mặt cầu bằng bê tông dày khoảng 4cm đã bị nứt gãy

PV sau đó đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền nhưng ông Vũ cho biết mình đang xin nghỉ phép, không thể gặp trực tiếp.

Qua điện thoại, ông Vũ cho biết: “Do cầu làm từ lâu nên tôi cũng không biết huyện có đầu tư hay không?! Huyện cũng có chủ trương xin vốn từ thành phố đầu tư vài cây cầu trên tuyến này nhưng thành phố không chấp thuận vì xã Giai Xuân mới đạt NTM. Cụ thể, chủ trương xin bao nhiêu cây cầu tôi cũng không biết, anh chị xuống xã hỏi”.

Phá lan can cầu vì nghe... tin đồn

Theo ghi nhận thực tế, các cây cầu bị đập lan can chỉ rộng 2m, mặt cầu được lót một tấm bê tông dày khoảng 4cm. Do các loại ô tô qua lại nhiều nên một số nơi mặt cầu đã bắt đầu xuất hiện vết nứt, bể nham nhở.

Ông Huỳnh Đương Quan, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết: “Tuyến đường trên có lộ giới ngang 3m với tổng chiều dài gần 4km thông ra tới thị trấn Phong Điền. Các cây cầu trên tuyến có bề rộng 2m. Tuyến đường do Nhà nước đầu tư xây dựng từ lúc Cần Thơ chưa tách tỉnh với Hậu Giang. Sau này khi tách ra hai tỉnh, tuyến đường này do huyện quản lý, xã không có thẩm quyền, chức năng quản lý”.

Khi được hỏi nếu để ô tô qua lại cầu như vậy có an toàn và tại sao chỉ đập cầu ở mỗi con đường liên ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh, liệu có phải do xe của “quan” huyện thường hay ra - vào?. Ông Quan lý giải, do xe ô tô, xe tải ra - vào bị va quệt nên trưởng ấp tiến hành họp dân, dân đồng thuận rồi ấp tự đập chứ xã không hay biết. “Trước đây, trên tuyến đường liên ấp này có cắm biển báo tải trọng 0,5 tấn ở các cầu, nhưng giờ ai lấy mất biển tôi cũng không biết! Do xe cộ cũng ít đi nên xã không nghĩ đến chuyện đảm bảo an toàn khi xe ô tô qua cầu. Cả xã chỉ có duy nhất hai ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh đập lan can cầu do dân trong ấp có nhu cầu, các ấp khác không có “nhu cầu”, ông Quan nói.

Ngoài ra, vị Bí thư xã cũng thừa nhận trong hai ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh có đến 300 hộ dân nhưng không ai có ô tô. Trong hai ấp này có một số cán bộ của huyện sinh sống và những người này có ô tô hay ra - vào. “Khách quan mà nói việc đập lan can cầu cho xe cán bộ ra - vào cũng không hẳn đúng, người dân trong ấp mỗi khi đau ốm thường hay gọi taxi vào chuyển đến bệnh viện. Việc làm này chúng tôi nhận thiếu sót và xin được khắc phục trong thời gian sớm nhất”, ông Quan cho biết.

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh, người được cho là đứng ra tổ chức phá lan can cầu cho biết, việc đập lan can cầu do ấp tự quyết, không thông qua xã. Sở dĩ ông hành động như vậy do nghe “tin đồn” (do ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền điện thoại “ngỏ ý”-PV) sắp tới sẽ mở rộng cầu bằng với đường lộ.

Chiều 1/8, PV Báo Giao thông đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. Ông Sử cho biết, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo xã Giai Xuân cũng như Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện tiến hành khảo sát báo cáo về huyện. Khi có báo cáo chính thức huyện sẽ thông tin cụ thể.

Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, các tuyến đường GTNT được UBND TP Cần Thơ phân cấp cho UBND quận, huyện quản lý. Do đó, tuyến đường có các cây cầu bị đập lan can này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện Phong Điền. Việc chính quyền ấp, xã tự tiện đập lan can cầu để xe ô tô đi lại dễ dàng là hoàn toàn sai. Đường GTNT dù được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa hay Nhà nước và nhân dân cùng làm đều thuộc kết cấu hạ tầng giao thông nên không thể tự tiện đập phá. Chưa kể việc đập như vậy còn ảnh hưởng đến kết cấu cầu và ATGT.

Popular Posts

Powered by Blogger.